Có bao nhiêu cách hun khói để làm ra món thịt hun khói chuẩn vị?
Kỳ 2: Tìm hiểu chung về kỹ thuật hun khói lạnh
Không giống như hun khói nóng, bản chất cách làm hun khói lạnh không nhằm mục đích để làm chín thực phẩm. Đây là một công đoạn chế biến tinh tế giúp đem lại mùi khói thoang thoảng trong từng thớ thịt nhưng tuyệt nhiên không làm mất đi đặc điểm kết cấu của một miếng thịt còn tươi.
Miếng thịt trước khi đem hun khói bắt buộc phải thực hiện ướp với muối diêm hay còn gọi là Sodium Nitrate. Do ở điều kiện hun khói lạnh, nhiệt độ ấm cùng tình trạng thiếu oxy khiến các loại khuẩn kỵ khí phát triển mạnh, dễ gây tình trạng ngộ độc cho người ăn phải. Sodium Nitrate chính là hợp chất ngăn sự phát triển của các loại khuẩn, giúp bảo quản sản phẩm lâu hơn ngay cả trong điều kiện thường. Các đơn vị sản xuất thực phẩm cũng thường ưa thích sử dụng loại muối này bởi nó mang đến màu sắc đỏ bắt mắt vô cùng hấp dẫn cho sản phẩm.
Khói và nhiệt độ là 2 yếu tố đóng vai trò quan trọng trong hun khói lạnh. Về nhiệt độ, thông thường mức nhiệt được duy trì sẽ là 38 độ C, một mức vừa phải đủ để thịt có mùi khói nhưng cũng giữ cho miếng thịt không bị chín. Khói hun được lựa chọn là khói từ các loại gỗ như gỗ sồi, gỗ táo... được đánh giá là có tác dụng rất tốt trong việc tạo mùi thơm đặc trưng.
Nhưng điều đặc biệt nhất phải kể đến là cơ chế hoạt động của phương pháp hun khói này đó là khói được tạo ra từ một lò hun tách biệt bên ngoài. Lượng khói này sẽ được dẫn qua đường ống đến nơi đặt những miếng thịt thay vì tiếp xúc trực tiếp như khi hun khói nóng. Vì vậy nếu xét về độ khói, đơn giản là hun khói lạnh chỉ mang đến một hương vị thoang thoảng thu hút, trong khi đó hương khói của sản phẩm hun khói nóng thường rất dễ nhận biết.
Những miếng thịt sau khi hoàn thiện quá trình hun khói lạnh sẽ được đóng gói và bày bán. Khi đến tay người tiêu dùng, sản phẩm tiếp tục được chế biến theo nhiều cách khác nhau như áp chảo, nướng hay nấu ăn kết hợp cũng các nguyên liệu khác để đem đến những món ăn ngon độc đáo.
